Hai tháng đầu năm 2023, Đức nằm trong số ít các thị trường ghi nhận tăng trưởng dương về NK cá tra Việt Nam. Trong khi xuất khẩu cá tra sang top 10 thị trường đều giảm từ 8% – 60% so với cùng kỳ, riêng Đức – thị trường đứng thứ 9 vẫn giữ được tăng trưởng 81%.
Tính đến hết tháng 2/2023, XK cá tra sang thị trường Đức đạt hơn 6,2 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 2,6% tổng giá trị XK cá tra Việt Nam sang các thị trường. Tỷ trọng thị trường Đức của 2 tháng đầu năm nay tăng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 0,9%).
Năm 2022, Đức cũng nằm trong top 2 thị trường NK nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU sau Hà Lan, chiếm tỷ trọng 1,2% với gần 30 triệu USD, tăng 37% so với năm 2021.
Trong hai tháng đầu năm 2023, cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) chiếm 98,3% tổng XK cá tra sang Đức, trong khi cá tra sống/tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304) chỉ chiếm 1,7%. Trong 2 tháng này, Việt Nam không có sản phẩm cá tra chế biến XK sang Đức, có thể do yếu tố lạm phát khiến người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm đông lạnh để tiết kiệm chi phí.
Những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Đức nói chung và thị trường cá tra nói riêng vẫn là cuộc chiến ở Ukraine, những hậu quả về kinh tế đi kèm, sức khỏe kinh tế toàn cầu yếu kém, giá năng lượng và tiêu dùng ở mức cao cũng như vấn đề an ninh nguồn cung năng lượng.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã giảm rõ rệt xuống còn 8,6%, sau 3 tháng liên tiếp duy trì ở mức trên 10%, nhưng Đức vẫn thuộc top quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong các nền kinh tế lớn. Lạm phát cũng làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của đất nước có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi/ướp lạnh, người dân Đức gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh.
Do giá năng lượng và lương thực không còn ở mức cao như năm trước nên tỷ lệ lạm phát chung của Đức dự kiến giảm đáng kể từ tháng 3/2023. Đây có thể coi là một trong những tín hiệu lạc quan cho hoạt động XK cá tra của Việt Nam sang Đức.